Các bài luyện tập thể chất mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như kiểm soát đường máu, huyết áp; kích thích năng lượng sống và giúp tăng cường chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, bạn nên dựa vào tình trạng sức khỏe để lựa chọn các bài tập phù hợp, tránh luyện tập quá sức gây phản tác dụng.

Dưới đây là những bài tập tốt nhất cho bệnh nhân tiểu đường:
1. Đi bộ
Đi bộ là cách thức đơn giản giúp rèn luyện thể chất và hít thở không khí trong lành. Nó cũng có tác dụng giảm trạng thái căng thẳng. Đi bộ bước nhanh trong khoảng thời gian từ 30 phút đến 1 giờ, 3 - 4 lần/tuần sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu cải thiện sức khỏe. Đi bộ vừa dễ dàng trở thành hoạt động thể chất vừa là giúp thư giãn cơ thể bằng các hoạt động như dẫn chó đi dạo, đi bộ đến cửa hàng thay vì lái xe. Khi bạn đã hình thành thói quen, nó sẽ giúp bạn cảm thấy cuộc sống đầy ý nghĩa và giàu năng lượng. Hãy bắt đầu từng bước một, thói quen sẽ dần được hình thành.
2. Nhảy
Nhảy là một cách luyện tập thể dục tạo được cảm giác hứng thú. Chỉ cần thực hiện động tác lắc lư cơ thể theo ý thích trong vòng 25 phút, 3 ngày/tuần có thể mang lại nhiều lợi ích to lớn như giúp cải thiện hoạt động tim mạch, hạ đường huyết, giảm căng thẳng và đốt cháy calo. Nếu bạn không có bạn nhảy cùng thì một số công cụ như ghế, quả bóng có thể giúp ích tùy thuộc vào nội dung của từng bài tập.
3. Bơi lội
Bơi lội là một dạng bài tập aerobic không làm căng cơ như các bài tập khác. Bơi lội giúp các cơ ở chi trên và chi dưới cùng hoạt động. Sức cản của dòng nước tốt cho hoạt động của tim. Tuy nhiên, bơi lội cũng là hoạt động đốt cháy năng lượng rất nhanh và làm giảm cholesterol máu. Do đó, nếu có nhân viên cứu hộ đang làm việc ở bể bơi, hãy báo cho họ biết về bệnh tiểu đường để họ có thể chú ý hơn đến bạn, đề phòng các bất trắc có thể xảy ra.
4. Đạp xe
Bệnh tiểu đường có thể được cải thiện bằng việc đạp xe. Bất kể là bạn đạp xe với máy tập trong nhà hay đạp xe ngoài đường phố, thời gian luyện tập 30 phút/ngày, 3 - 5 lần/tuần có thể có tác dụng làm tăng nhịp tim, đốt cháy lượng đường trong máu và giúp giảm cân mà không gây đau đầu gối hay các cơ quan khác.
5. Leo cầu thang
Leo cầu thang là một cách đơn giản giúp đốt cháy năng lượng, tăng cường hoạt động của tim - phổi, đặc biệt là đối với những người bị đái tháo đường tuýp 2. Bạn chỉ nên lên xuống cầu thang trong vòng 3 phút, khoảng 2 - 3 giờ sau khi ăn sẽ giúp tiêu thụ lượng đường trong máu hiệu quả. Bạn có thể thực hiện hoạt động thể lực này bất cứ đâu có cầu thang, đặc biệt là trong môi trường làm việc, khi bạn phải lên xuống nhiều lần giữa các tầng để trao đổi thông tin.
6. Tập luyện tăng cường sức mạnh
Nếu bạn đang có một thân hình khỏe khoắn và bệnh tiểu đường ở mức độ nhẹ, một số bài tập tại các trung tâm thể dục với cường độ khoảng 2 lần/tuần có thể giúp cơ bắp, xương khớp vững chắc và hạ đường máu. Bạn cũng có thể thực hiện một số hoạt động thể chất sau tại nhà:
- Nâng chai nước hoặc các vật dụng đóng hộp khác;
- Chống đẩy (push-ups);
- Bài tập cơ bụng (sit-ups);
- Bài tập gánh tạ (squats);
- Bài tập chùng chân (lunges).
7. Làm vườn
Nếu các hoạt động thể chất được nêu trên không phù hợp với bạn, thì làm vườn là một sự lựa chọn tốt. Các hoạt động chăm sóc cây cối giúp lưu thông dòng máu (qua các động tác đi bộ, cúi người, quỳ gối). Nó cũng giúp cơ xương khớp được chắc khỏe hơn (qua các động tác cuốc đất, nâng các vật dụng). Khi bạn làm việc gần gũi với thiên nhiên, cảm giác căng thẳng cũng giảm bớt đi.
8. Tập yoga
Yoga được đưa vào sử dụng trong 5000 năm qua, là một hoạt động thể lực ít tiêu thụ năng lượng, giúp bạn mạnh mẽ và linh hoạt hơn. Yoga cũng là hoạt động giúp cân bằng cơ thể. Các chuyển động, tư thế và tập trung vào hơi thở có thể giúp giảm căng thẳng và xây dựng cơ bắp khỏe mạnh hơn, đồng thời giúp giữ mức đường huyết ở mức ổn định.
9. Tập thái cực quyền (taichi)
Nghệ thuật cổ xưa này của Trung Quốc sử dụng các chuyển động chậm, có kiểm soát cùng với sự hình dung và hít thở sâu làm tiền đề để luyện tập tăng cường sức khỏe. Nó cũng giúp cơ thể được linh hoạt, vận động và cân bằng. Bài tập nhẹ nhàng này còn có tác dụng giúp làm giảm tình trạng căng thẳng và ngăn ngừa các tổn thương dây thần kinh ở chân.
Để đạt mục tiêu giảm lượng đường trong máu, bạn nên duy trì ít nhất 30 phút/ngày trong 5 ngày/tuần. Nếu bạn chưa từng duy trì tập thể dục, bắt đầu luyện tập trong khoảng 5 - 10 phút và tăng dần thời gian. Việc tập luyện sẽ giúp chức năng tim, phổi hoạt động tốt hơn và tăng cường dòng chảy của máu giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh tiểu đường đang mắc phải.